Tầm soát ung thư phổi là việc làm thiết thực để gia tăng cơ hội điều trị và giảm thiểu tỷ lệ tử vong cao do căn bệnh nguy hiểm này gây ra.
Tại sao cần tầm soát ung thư phổi?
Với tỷ lệ người hút thuốc tăng cao đáng báo động trong những năm gần đây, ung thư phổi dần trở thành căn bệnh ung thư phổ biến và gây tử vong cao nhất ở Việt Nam. Là bệnh lý tiến triển rất nhanh đe dọa tính mạng, nhưng ung thư phổi không có nhiều triệu chứng bất thường nên người bệnh thường chủ quan với sức khỏe của mình. Khi phát hiện thì đã muộn, các tế bào ung thư phổi phát triển rất nhanh, khối u đã bắt đầu lan rộng và dễ dàng xâm lấn sang các mô khác, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.
Ung thư phổi tiến triển nhanh và gây tỷ lệ tử vong cao
Tầm soát ung thư phổi định kỳ là cách duy nhất để phát hiện bệnh ở giai đoạn khởi phát. Phát hiện sớm ung thư phổi không chỉ giúp bạn thoát khỏi bản án tử hình mà còn giảm thiểu đau đớn và chi phí trong suốt quá trình điều trị bệnh. Các chuyên gia y tế tin rằng, việc nâng cao nhận thức của mọi người về tầm soát ung thư phổi có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu tỷ lệ tử vong do ung thư phổi, đồng thời nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Mỗi người chúng ta nên bảo vệ sức khỏe bằng cách tầm soát ung thư phổi định kỳ
Tầm soát ung thư phổi như thế nào?
Các phương pháp tầm soát ung thư phổi chính xác và hiệu quả nhất hiện nay là chụp X-quang ngực, xét nghiệm chất nhầy từ phổi, và chụp cắt lớp CT:
- Chụp X-quang lồng ngực cho phép các bác sĩ nhìn rõ hình ảnh của phổi trong khoang ngực, từ đó nhận diện sự xuất hiện của khối u hoặc các khối mô bất thường hình thành trong phổi.
Nhận diện khối u qua phim chụp X-quang
- Ung thư phổi có thể được phát hiện bằng xét nghiệm chất nhầy từ phổi. Các bác sĩ sẽ sử dụng kính hiển vi để quan sát chất nhầy từ phổi và tầm soát ung thư tế bào.
- Khi có tiên lượng xấu về sự xuất hiện của khối u trong phổi, các bác sĩ sẽ chỉ định chụp cắt lớp CT để xác định kích thước, số lượng và sự phát triển của khối u.
Chụp CT để thấy rõ các dấu hiệu mà phim chụp X-quang không thể hiện được
Dựa vào hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ có thể nhìn thấy các dấu hiệu bất thường mà phim chụp X-quang không thể hiện được do ở góc nghiêng hoặc các tạng khác che khuất như: khối u có tua, có múi, khối u có dính vào động mạch không, đã di căn chưa…