Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người tử vong vì ung thư vòm họng khá cao vì việc tầm soát ung thư vòm họng sớm chưa được quan tâm đúng đắn.
Tỷ lệ ung thư vòm họng cao đáng báo động
Trong số các bệnh ung thư ở vùng đầu và cổ, ung thư vòm họng là dạng ung thư phổ biến nhất. Bệnh xuất hiện ở nam giới nhiều hơn, nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Khi các tế bào ở vòm mũi họng phát triển và phân chia với tốc độ không thể kiểm soát được, một khối u sẽ hình thành, và thường là khối u ác tính. Ung thư vòm họng có thể di căn và xâm lấn theo đường máu, bạch huyết và tràn ra các cơ quan khác trong cơ thể như não, xương, gan… dẫn đến tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Ung thư vòm họng là căn bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm
Vì sao cần tầm soát ung thư vòm họng sớm?
Ung thư vòm họng rất khó phát hiện sớm bằng việc thăm khám thông thường, vì vị trí vòm họng gây không ít khó khăn khi thăm khám nên phải áp dụng phương pháp nội soi đường mũi. Bên cạnh đó, bệnh không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn khởi phát nên thường bị nhẫm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý tai – mũi – họng thông thường như xoang, viêm mũi, viêm tai…
Ung thư vòm họng khó có thể phát hiện bằng thăm khám lâm sàng
Các chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới WHO cho rằng, tiến bộ y học hiện đại ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều trị ung thư vòm họng, giúp giảm thiểu đáng kể tỷ lệ tử vong của căn bệnh này. Tuy nhiên, tầm soát ung thư vòm họng sớm vẫn đóng vai trò tiên quyết để kiểm soát và ngăn chặn tế bào ung thư di căn. Cũng như các thể ung thư khác, nếu được phát hiện sớm, 70-90% bệnh nhân bị ung thư vòm họng có thể kéo dài cuộc sống trên 5 năm. Còn nếu phát hiện muộn, tỷ lệ này sẽ chỉ còn 15-30%.
Tầm soát ung thư vòm họng giúp gia tăng tỷ lệ điều trị thành công
Tầm soát ung thư vòm họng để phát hiện bệnh sớm không chỉ gia tăng tỷ lệ sống và giảm thiểu biến chứng nguy hại cho cơ thể, mà còn đảm bảo quá trình điều trị ít xâm lấn, đau đớn và tốn kém. Đó là lý do vì sao các chuyên gia sức khỏe thế giới kêu gọi mọi người nâng cao nhận thức về tầm soát ung thư vòm họng để căn bệnh này không còn là gánh nặng của y tế cộng đồng.
Phương pháp tầm soát ung thư vòm họng hiệu quả
Nội soi vòm họng là xét nghiệm tiên quyết để tầm soát ung thư
Khi tầm soát ung thư vòm họng định kỳ, các bác sĩ sẽ chỉ định nội soi vòm mũi họng làm xét nghiệm tiên quyết. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, cần tiến hành lấy sinh thiết mô từ vòm họng để xét nghiệm giải phẫu bệnh học và nhận dạng mức độ biệt hóa của khối u. Ngoài ra, có thể tiến hành thêm các xét nghiệm sàng lọc ung thư chuyên sâu như chụp cắt lớp (PET/CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) kết hợp với các xét nghiệm sinh hóa khác để đánh giá khả năng di căn của khối u.