Ung thư tá tràng là căn bệnh ung thư hiếm gặp nhất trong số các bệnh ung thư hệ tiêu hóa. Vì vậy, việc tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho căn bệnh này gặp nhiều khó khăn do không có nhiều thông tin như các loại ung thư phổ biến khác.
1. Ung thư tá tràng là gì?
Tá tràng là phần đầu của ruột non, kéo dài từ môn vị của dạ dày đến góc tá tràng – hỗng tràng. Tá tràng là thành phần quan trọng trong hệ tiêu hóa vì đây là nơi thức ăn được trộn với dịch tụy, dịch mật để thực hiện quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng.
Ung thư tá tràng là căn bệnh mà khối u được hình thành và phát triển trong các mô của ruột non. Đây là loại ung thư hiếm gặp, chỉ chiếm chưa đến 1% trong số các loại ung thư thuộc hệ tiêu hóa. Bệnh thường xuất hiện ở những người trong độ tuổi từ 50-70 với tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới nhiều hơn nữ giới.
2. Triệu chứng bệnh ung thư tá tràng
Biểu hiện lâm sàng của ung thư tá tràng giai đoạn đầu thường không rõ ràng, cũng có thể xuất hiện triệu chứng như đau bụng, khó chịu phần bụng trên. Khi khối u phát triển bệnh nhân có thể thấy đau bụng hơn, buồn nôn, xuất huyết, sút cân, hoặc cũng có triệu chứng vàng da, đại tiện ra máu. Cụ thể:
Đau thượng vị: cảm giác khó chịu phần bụng trên hoặc đau âm ỉ, sau khi ăn cũng không thấy giảm đau, đôi khi đau nhói ra sau lưng.
Chán ăn, buồn nôn và nôn: đây là triệu chứng có khoảng 30-40% người mắc ung thư tá tràng gặp phải. Nguyên nhân là do khối u phát triển và làm tắc nghẽn một phần hoặc cả tá tràng.
Thiếu máu, chảy máu: đây là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh ung thư tá tràng, chảy máu chủ yếu là mất máu mãn tính như đại tiện ra máu, đại tiện phân đen.
Vàng da: vàng da là do khối u làm tắc túi ampulla, loại u này dẫn đến vàng da là bị do hoại tử khiến hoàng đản không ổn định. Ngoài ra, triệu chứng vàng da còn đi kèm với biểu hiện đau bụng.
Sút cân không rõ nguyên nhân: sút cân là triệu chứng ung thư tá tràng thường gặp, tuy nhiên khi có triệu chứng sút cân thì hiệu quả điều trị lúc này không còn tốt nữa.
Khối u vùng bụng: khi khối u phát triển sẽ xâm lấn sang các cơ quan xung quanh và một số bệnh nhân có thể sờ thấy cục u ở bụng.
3. Các giai đoạn của ung thư tá tràng
Giai đoạn I: Khối u chỉ phát triển ở tá tràng chưa phát triển xâm lấn các cơ quan khác.
Giai đoạn II: Khối u lan rộng sang các mô lân cận, các cơ, dây chằng và các hạch bạch huyết.
Giai đoạn III: Khối u đã lan sang các cơ quan xung quanh như hồi tràng, hỗng tràng, đại tràng, dạ dày.
Giai đoạn IV: Khối u phát triển trong ổ bụng và di căn đến các cơ quan xa hơn như phổi, gan, tụy, xương…
4. Nguyên nhân gây ung thư tá tràng
Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên bệnh ung thư tá tràng. Tuy nhiên, một số yếu tố sau có thể góp phần tăng nguy cơ gây ung thư tá tràng:
– Các chất hóa học như axid Lithocholic có thể là một nguyên tố gây bệnh.
– Chế độ ăn uống chứa nhiều hàm lượng chất béo, dinh dưỡng nghèo nàn.
– Thường xuyên tiếp xúc với các chất gây ung thư, hóa chất độc hại và bức xạ i-on hóa.
– Nghiện thuốc lá cũng là một tác nhân gây bệnh.
– Mắc một số bệnh liên quan đến tiêu hóa như: bệnh Lynche, bệnh Celiac, hội chứng Gardner, bệnh đa popyp gia đình, hội chứng Puetz-Jeghers, hội chứng Polyp Juvenile.
– Viêm loét tá tràng: là một bệnh phổ biến liên quan đến hệ tiêu hóa, xuất hiện chủ yếu ở người trưởng thành. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị dứt điểm thì có thể gây biến chứng thành ung thư tá tràng.
5. Phương pháp điều trị ung thư tá tràng
– Phẫu thuật: là phương pháp được lựa chọn đầu tiên trong điều trị bệnh ung thư tá tràng. Dựa vào vị trí và kích thước của khối u, bác sĩ có thể chỉ định các phương án phẫu thuật sau: Phẫu thuật cắt đầu tụy tá tràng, cắt bỏ tá tràng theo từng đoạn, cắt bỏ toàn bộ khối u hoặc cắt bỏ một phần dạ dày. Tuy nhiên, phương pháp này không thể loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư trong cơ thể và có khả năng tái phát cao.
– Xạ trị và hoá trị: là hai phương pháp chủ yếu trong điều trị ung thư tá tràng, hoá trị và xạ trị giúp tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể, hoặc làm giảm kích thước khối u, giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Thông thường, bác sĩ có thể sử dụng kết hợp hai phương pháp này trong hoặc sau phẫu thuật để nâng cao tỷ lệ thành công của phẫu thuật và làm giảm khả năng tái phát ung thư tá tràng. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, bác sĩ thường áp dụng các phương pháp hỗ trợ để giảm thiểu các tác dụng này.
—–
XEM THÊM:
05 điều cần biết về ung thư tá tràng
Ung thư dạ dày có thể chữa khỏi 100%
Ung thư trực tràng nguy hiểm như thế nào?
Tổng quát kiến thức về ung thư thực quản