Hiện nay, số lượng người mắc bệnh ung thư có xu hướng ngày càng gia tăng, nhưng nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được nắm rõ hoàn toàn. Qua thống kê, các chuyên gia đã chỉ ra 10 yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Tuổi tác
Bệnh nhân ung thư thường là người già, có độ tuổi trên 60, tuổi càng cao thì gặp càng nhiều. Nguyên nhân là do khi có tuổi, thời gian tiếp xúc và tích lũy các chất độc hại ngày càng tăng khiến cho các tế bào phân chia, tạo mới nhiều lần càng dễ có sai sót trong gen dẫn đến tế bào ung thư phát sinh.
Tuy nhiên, bệnh ung thư cũng cũng có thể mắc ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Đặc biệt hiện nay, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa.
Yếu tố di truyền những người trong gia đình
Một số loại ung thư có tính chất di truyền những người trong gia đình. Ví dụ như: u hắc tố ác tính, ung thư vú, ung thư buồng trứng, tuyến tiền liệt.
Một số gen gây bệnh ung thư di truyền giữa những người trong gia đình.
Thực phẩm gây ung thư
Một số loại thực phẩm trong thực đơn hàng ngày có thể gây ra các bệnh ung thư đường tiêu hóa như: các loại thức ăn ướp muối, ngâm dấm ,ủ chua như dưa, cà; các loại thịt, cá bảo quản bằng ure; các loại thịt nướng, hun khói.
Hạn chế các loại thực ăn này cùng với đó là thực hiện chế độ ăn lành mạnh cho sức khỏe như sử dụng các thực phẩm tươi sống, rau củ quả tươi, các thức ăn giàu vitamin E và C giúp chống oxy hóa giúp ngăn ngừa ung thư.
Khói thuốc lá
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, nếu người hít khói thuốc lá (chủ động hay thụ động) sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, thanh quản, họng và nhiều dạng ung thư khác.
Nguyên nhân là do trong khói thuốc chứa vô vàn các chất có khả năng gây ung thư. Các chất độc này tích tụ trong nhiều năm, tác động xấu và gây bệnh. Do đó, ngừng hút thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh ung thư.
Khói thuốc là nguyên nhân chủ yếu trong bệnh ung thư phổi.
Các bức xạ ion hoá
Các tia bức xạ ion hoá tác động trực tiếp, gây tổn hại hệ gene của mỗi tế bào, hình thành các khối u ung thư ác tính. Nguồn tia bức xạ có thể từ ánh sáng mặt trời, các thiết bị phóng xạ như máy chụp X quang, vụ rò rỉ phóng xạ, thử vũ khí hạt nhân… tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như: ung thư da, phổi, tuyến giáp và bệnh bạch cầu…
Hóa chất độc hại
Rất nhiều hóa chất như amiăng, benzen, diesel, xăng dầu; các kim loại nặng nikel, arsen, formaldehyt, thuốc trừ sâu… đều có thể gây ra bệnh ung thư.
Thợ sơn, công nhân giặt nhuộm, công nhân xây dựng, người phun thuốc trừ sâu… đều là các đối tượng làm việc trong môi trường hóa chất độc hại, có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao.
Nhận biết các hóa chất có khả năng gây ung thư cho con người và kiểm soát chặt chẽ chúng sẽ giúp hạn chế được rất nhiều bệnh nhân ung thư.
Đồ uống có cồn
Đồ uống có cồn như rượu bia khi bị lạm dụng dễ dẫn đến nguy cơ phát triển các bệnh ung thư gan, vú, miệng, thực quản. Lượng cồn hấp thụ càng nhiều, nguy cơ mắc bệnh càng tăng cao, đặc biệt với những người hút thêm thuốc lá.
Ngừng hẳn hay uống rượu bia dưới mức khuyến cáo là cách tốt nhất phòng bệnh trong trường hợp này.
Lạm dụng rượu bia làm xơ gan, tiến triển thành ung thư gan.
Bức xạ tia cực tím
Ánh nắng mặt trời hay ánh sáng từ đèn chiếu ánh sáng mạnh để quay phim, phơi nắng là các nguồn phát sinh tia cực tím phổ biến. Tác dụng nguy hiểm của tia cực tím làm lão hoá da, tổn thương hệ thống gen có thể dẫn đến ung thư da.
Bầu khí quyển chỉ hấp thu một phần tia cực tím từ ánh sáng mặt trời, nên để phòng tránh nguồn ánh sáng nguy hiểm này, bạn nên mặc quần áo dài che kín tay, chân và mang mũ rộng vành, kính râm khi đi ra ngoài trời nắng.
Bức xạ tia cực tím cũng có thể phòng ngừa bởi kem chống nắng có chỉ số SPF thấp nhất là 15.
Lối sống thiếu khoa học
Chế độ ăn uống thừa chất và lối sống ít vận động gây bệnh béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư vú, đại tràng, tuyến tiền liệt và tử cung…
Các loại virus và vi khuẩn nhất định
Một số loại vi khuẩn và virus là nguyên nhân gây ra một số loại ung thư nhất định ví dụ như:
Vi khuẩn HP gây viêm loét, làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Virus HPV là nguyên chính gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
Người mắc virus viêm gan B và C dễ tiến triển thành ung thư gan.
Phòng ngừa tình trạng này bằng cách tiêm các loại vaccine như vaccine HPV, viêm gan B,… hay tránh lây nhiễm bằng cách không dùng chung bơm kim tiêm, quan hệ tình dục an toàn.