Bệnh ung thư thực quản khiến người bệnh rất khó khăn trong quá trình ăn uống vậy ai có nguy cơ mắc bệnh và cách phát hiện ra bệnh như thế nào, bạn đọc hãy tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Bệnh ung thư thực quản có đặc điểm gì?
Thực quản là đoạn đầu của ống tiêu hóa dài khoảng 25cm, dẫn thức ăn từ hầu vào dạ dày. Bề mặt thực quản được tiết ra các chất nhầy giúp thức ăn có thể đi xuống dạ dày dễ dàng hơn.
Bệnh ung thư thực quản xảy ra khi các tế bào biểu mô của thực quản trở thành các tế bào ác tính và phát triển không kiểm soát. Tùy thuộc vào loại tế bào ung thư, ung thư thực quản được chia làm 2 loại chính gồm ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến:
- Ung thư biểu mô tuyến thường phát triển từ chính các tổ chức tuyến ở phần giữa hoặc phía dưới thực quản.
- Ung thư biểu mô vảy lại xuất phát từ các tế bào dạng biểu bì nằm ở thành thực quản và phát triển ở phần trên (1/3 trên).
Khối u ở bệnh nhân ung thư thực quản gây khó khăn trong quá trình nuốt thức ăn.
Khi khối u bắt đầu di căn ra ngoài thực quản đi đến các cơ quan khác, đầu tiên thường là hệ bạch huyết. Sau đó, ung thư thực quản có thể lan ra hầu hết các bộ phận khác của cơ thể như: gan, phổi, não, xương…
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản
Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia về yếu tố gây bệnh của ung thư thực quản. Tuy nhiên, các các nghiên cứu thống kê đã chỉ ra có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
– Người cao tuổi: Phần lớn người mắc bệnh trên 60 tuổi và nam giới nhiều hơn nữ giới.
– Người hút thuốc lá hoặc các sản phẩm tương tự như thuốc lá.
– Những người nghiện rượu lâu năm, nguy cơ mắc bệnh càng tăng cao khi sử dụng cùng thuốc lá.
– Người có thói quen ăn uống đồ có nhiệt độ cao gây bỏng họng.
– Bệnh nhân mắc hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản kéo dài làm loét thực quản kéo dài.
– Nguyên nhân về thực phẩm: chất nitrosamine gây ung thư có trong mắm, dưa muối
– Bệnh nhân với tiền sử điều trị thành công ung thư.
Người hút thuốc có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư thực quản.
Dấu hiệu nhận biết ung thư thực quản
Ở giai đoạn sớm, bệnh ung thư thực quản thường không xuất hiện các triệu chứng cụ thể. Chỉ khi khối u phát triển đến một kích thước nhất định mới có thể xuất hiện các triệu chứng sau:
- Cảm giác nghẹn khi nuốt: là triệu chứng phổ biến nhất nhưng không nhiều trường hợp bệnh khác cũng có dấu hiệu này; cảm giác nuốt vướng, mơ hồ, tương đối rõ khi nuốt thức ăn cứng.
Dần dần, nghẹn trở nên trầm trọng, biểu hiện rõ ràng, khó nuốt cả thức ăn cứng lẫn thức ăn mềm. Cuối cùng uống nước, người bệnh cũng thấy nghẹn.
- Trớ: bệnh viêm phế quản dai dẳng do dịch từ thực quản chảy vào đường thở dẫn đến thức ăn bị trớ ngược ra ngoài khi bệnh nhân ngủ.
- Cảm giác đau: Đau sau xương ức, mơ hồ, dai dẳng.
- Khàn tiếng: Viêm đường hô hấp làm mức độ khàn nhẹ nhưng cũng có thể khàn rõ.
- Các triệu chứng khác: Rò thực quản – khí quản, ho khạc đờm liên tục , đau ngực dai dẳng, các cơ quan quanh thực quản dễ nhiễm trùng. Mệt mỏi liên tục không rõ nguyên nhân. Sụt cân do không ăn uống được. Da xấu, sạm khô, các nếp nhăn dễ nhìn thấy.
Khi bạn phát hiện bất kỳ các triệu chứng kể trên, nên đến cơ sở y tế về ung bướu để khám và kiểm tra. Nếu phát hiện ra các dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm cần thiết như nội soi thực quản dạ dày, chụp X-quang thực quản có uống thuốc cản quang; cần thiết có thể chụp PET/CT, sinh thiết giải phẫu bệnh, chẩn đoán khối u đã di căn xương bằng phương pháp xạ hình xương.
Điều trị bệnh ung thư thực quản
Điều trị bệnh ung thư thực quản phụ thuộc nhiều yếu tố như vị trí, kích thước, sự di căn của khối u và tình trạng sức khỏe, đáp ứng điều trị của bệnh nhân.
Hiện nay, với công nghệ hiện đại, có nhiều biện pháp điều trị bệnh ung thư thực quản, trong đó phẫu thuật là biện pháp phổ biến có tính chất triệt để, giải quyết căn nguyên gây ra bệnh.
Khối u thường được cắt bỏ cùng với một phần hoặc toàn bộ khu vực thực quản. Phần còn lại được nối với dạ dày, giúp người bệnh vẫn có thể nuốt và thực hiện quá trình tiêu hóa thức ăn. Nếu thực quản bị cắt bỏ quá nhiều, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng một ống nhân tạo hay một đoạn ruột non thay thế.
Minh họa phương pháp phẫu thuật trong bệnh ung thư thực quản.
Các biện pháp khác như xạ trị, hóa trị… có thể được cân nhắc phối hợp trong quá trình trị liệu, tùy thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể, ngăn ngừa bệnh tái phát.
Vấn đề dinh dưỡng với người bệnh ung thư thực quản
Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp nâng cao thể trạng bệnh nhân trong điều trị các bệnh ung thư là rất quan trọng. Nhưng với bệnh ung thư thực quản, người bệnh khó khăn về nuốt thức ăn, tạo cảm giác mệt mỏi và không thoải mái nên chán ăn.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo các bệnh nhân ung thư thực quản nên ăn nhiều bữa nhỏ với thức ăn mềm, được nghiền sẵn. Trường hợp người bệnh không ăn được có thể tính đến phương pháp nuôi ăn qua đường tĩnh mạch.
Sau khi điều trị bệnh ung thư thực quản thành công, người bệnh vẫn phải chú ý thăm khám thường xuyên với bác sĩ để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường do bệnh vẫn có thể tái phát trở lại.
Việc tái khám định kỳ bao gồm chụp X-quang hoặc làm các xét nghiệm cần thiết, khám lâm sàng… Nếu phát hiện khối u tái phát hay phát triển khối u mới, bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt.