Đường tiết niệu là một hệ thống gồm có các bộ phận như thận, ống dẫn nước tiểu, bàng quang, niệu đạo, có chức năng đào thải các chất dư thừa trong cơ thể người. Ung thư tiết niệu xảy ra khi tế bào ác tính hình thành và phát triển tại một bộ phận bất kỳ thuộc đường tiết niệu. Vậy, bệnh ung thư tiết niệu có chữa được không?
Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư tiết niệu
Nước tiểu và tinh dịch có lẫn máu: đây là một dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh ung thư đường tiết niệu. Tùy thuộc vào tình trạng tổn thương đường tiết niệu của từng bệnh nhân mà lượng máu có thể nhiều hay ít khác nhau. Ở nam giới, tinh dịch sẽ xuất hiện máu nếu bị ung thư tiết niệu. Số lượng máu trong tinh dịch nhiều hay ít tùy thuộc tình trạng bệnh và thể trạng của mỗi người.
Đau rát, khó tiểu: Ở giai đoạn đầu, bệnh ung thư đường tiết niệu có thể không có các triệu chứng rõ ràng. Vì thế, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh chụp X-quang hoặc siêu âm để phát hiện khối u một cách chính xác. Nếu khối u phát triển nhanh chóng thì có thể gây buồn nôn và đau nhói ở lưng hoặc dạ dày cho người bệnh. Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng có thể được gây ra bởi các bệnh lý thông thường khác không phải ung thư.
Bên cạnh đó, khi khối u ở đường tiết niệu phát triển đến kích thước lớn thì sẽ phình to và chèn ép lên bàng quang cùng ống dẫn nước tiểu, khiến bàng quang bị kích thích, nước tiểu khó lưu thông, người bệnh vì thế sẽ cảm thấy bị đau khi đi tiểu, khó tiểu, tiểu đứt quãng, thậm chí bị tắc ống dẫn nước tiểu, buồn tiểu mà tiểu không ra, tiểu nhiều vào ban đêm.
Đau lưng: Khi khối u phát triển và bắt đầu xâm lấn sẽ làm bít tắc đường tiết niệu, nước tiểu từ đó sẽ không thể đào thải ra ngoài và trào ngược từ bàng quang lên thận, gây tổn thương thận, hư thận, suy thận dẫn đến các hiện tượng đau lưng, đau hông…
Đau rát khi đại tiện: Khi khối u tiết niệu phát triển lớn hơn sẽ chèn ép lên trực tràng và khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn khi đại tiện như khó đại tiện, táo bón hoặc tiêu chảy từng cơn, thậm chí chảy máu trực tràng khi đại tiện.
Sưng ở bàn chân: Sưng bàn chân là một dấu hiệu phổ biến ở những người mắc bệnh thận, đây cũng là một dấu hiệu nhận biết ung thư đường tiết niệu.
Giảm cân bất thường, mệt mỏi không rõ nguyên nhân: Các biểu hiện khác như giảm cân, chán ăn, đau xương có thể là dấu hiệu bệnh ung thư tiết niệu ở giai đoạn nặng hơn. Theo đó, một khối u thuộc vùng bụng cũng được xem là biểu hiện của ung thư đường tiết niệu ở giai đoạn sau.
Bệnh ung thư tiết niệu có chữa được không?
Bệnh ung thư tiết niệu có chữa được không là câu hỏi của rất nhiều bệnh nhân khi phát hiện mình đã bị bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị ung thư tiết niệu sẽ phụ thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh cùng các phương pháp điều trị. Ở giai đoạn sớm, nếu bệnh nhân được điều trị tích cực thì sẽ có khả năng khỏi bệnh cao hơn, đồng thời cũng hạn chế được tình trạng di căn và tránh các biến chứng xấu.
Tuy nhiên, khi khối u được phát hiện đã ở giai đoạn muộn hoặc đã lây lan đến các cơ quan khác trên cơ thể cũng như lan tới các hạch bạch huyết thì khả năng chữa khỏi bệnh sẽ thấp hơn nhiều. Lúc này, mục đích điều trị chỉ nhằm giúp giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Ngoài ra, phác đồ điều trị áp dụng cho bệnh nhân ung thư tiết niệu cũng như khả năng đáp ứng với quá trình điều trị từ tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân cũng sẽ quyết định rất lớn đến kết quả điều trị.
Trên đây là những thông tin giúp chúng ta làm rõ được câu hỏi bệnh ung thư tiết niệu có chữa được không mà rất nhiều người luôn muốn biết. Có thể khẳng định rằng, bệnh ung thư tiết niệu có thể chữa được. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị sẽ phụ thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh đang ở giai đoạn đầu hay ở giai đoạn cuối. Bởi vậy, chúng ta nên thăm khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện ngay từ sớm các dấu hiệu của căn bệnh ngay khi còn tiềm ẩn, từ đó sẽ giúp ngăn chặn và điều trị căn bệnh hiệu quả hơn.