Ung thư tuyến nước bọt là một dạng hiếm của ung thư, khởi phát do sự phát triển không kiểm soát của các tế bào tại tuyến nước bọt. Vậy bệnh ung thư tuyến nước bọt có chữa được không? Hãy tham khảo bài viết sau để có câu trả lời!
Ung thư tuyến nước bọt là gì?
Tuyến nước bọt có vai trò tạo nước bọt hỗ trợ quá trình tiêu hóa và giữ ẩm miệng. Có ba tuyến nước bọt lớn là dưới và phía sau hàm – mang tai, dưới lưỡi và dưới xương hàm dưới. Ngoài ra, còn có nhiều tuyến nước bọt nhỏ ở trong môi, bên trong má, miệng và cổ họng.
– U tuyến nước bọt mang tai: Hầu hết bệnh nhân đều có khối u ở tuyến mang tai, thi thoảng có đợt sốt nhẹ, u phát triển to thêm. Trên lâm sàng, không thể phân biệt u lành hay u ác. Giai đoạn muộn, khối u có thể gây liệt dây thần kinh số VII. Nếu u lan rộng vào đáy sọ có thể gây liệt dây thần kinh số V, IV, XII.
– U tuyến dưới hàm: Giai đoạn sớm, một khối u nhẵn chắc không đau được hình thành. Đây là biểu hiện chung cho cả u lành và u ác. Ở giai đoạn muộn, khối u sẽ xâm lấn vào cơ, xương hàm và càng u rắn chắc hơn.
– U tuyến dưới lưỡi: Các dấu hiệu lâm sàng của ung thư tuyến nước bọt dưới lưỡi thường gặp là một đám cứng dưới niêm mạc miệng, cảm giác khó chịu khi nói và nuốt.
Bệnh ung thư tuyến nước bọt có chữa được không
Ung thư tuyến nước bọt nếu được phát hiện ở giai đoạn khối u vẫn khu trú tại tuyến nước bọt thì cơ hội chữa khỏi bệnh là rất cao và khi đó người bệnh không phải băn khoăn bệnh ung thư tuyến nước bọt có chữa được không. Tuy nhiên, nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, khi các khối u đã di căn thì việc điều trị lúc này chỉ nhằm giảm đau và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.
Căn cứ vào các giai đoạn của ung thư tuyến nước bọt, bác sĩ có thể tiên lượng tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân như sau:
+ Giai đoạn I: Tỷ lệ sống sau 5 năm đạt 91%
+ Giai đoạn II: Tỷ lệ sống sau 5 năm đạt 75%
+ Giai đoạn III: Tỷ lệ sống sau 5 năm là 65%
+ Giai đoạn IV: Chỉ có 39% bệnh nhân ung thư có thể sống sau 5 năm.
Điều trị ung thư tuyến nước bọt như thế nào?
Hiên nay, có ba phương pháp điều trị ung thư tuyến nước bọt chính là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào loại ung thư tuyến nước bọt, giai đoạn bệnh, mức độ phát triển của khối u, sức khỏe của bệnh nhân,…Bác sĩ cũng có thể kết hợp nhiều phương pháp để tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Phẫu thuật ung thư tuyến nước bọt: Đây là phương pháp điều trị được ưu tiên hàng đầu đối với khối u tuyến nước bọt ở giai đoạn đầu. Phương pháp phẫu thuật ung thư tuyến nước bọt bao gồm:
– Cắt bỏ tuyến nước bọt bị bệnh: Nếu khối u nhỏ và nằm ở vị trí dễ tiếp cận thì bác sĩ có thể phãu thuật cắt bỏ khối u và một phần nhỏ mô lành xung quanh.
– Cắt bỏ toàn bộ tuyến nước bọt. Nếu khối u to, bác sĩ sẽ loại bỏ toàn bộ tuyến nước bọt. Nếu khối u xâm lấn các cấu trúc lân cận như các dây thần kinh mặt, các ống tuyến kết nối với tuyến nước bọt, xương mặt và da thì những cấu trúc này có thể bị cắt bỏ.
– Nạo hạch cổ. Nếu ung thư đã lan đến các hạch cổ, bác sĩ có thể cắt hết hạch cổ (nạo hạch).
– Phẫu thuật tái tạo: Nếu xương, da, thần kinh bị cắt bỏ trong khi phẫu thuật thì những cấu trúc này cần phải được tái tạo. Trong quá trình phẫu thuật tái tạo, bác sĩ sẽ chỉnh sửa để cải thiện chức năng nhai, nuốt, nói và thở cho bệnh nhân.
Xạ trị ung thư tuyến nước bọt: Xạ trị là phương pháp sử dụng tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể thực hiện trước phẫu thuật để thu nhỏ và tiêu diệt khối u hoặc sử dụng sau phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư tái phát.
Hóa trị ung thư tuyến nước bọt: Phương pháp này sử dụng thuốc, hóa chất để phá vỡ và tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị chỉ áp dụng khi bệnh ung thư tuyến nước bọt đã ở giai đoạn cuối hoặc khi ung thư tái phát.
Hy vọng, với những thông tin bạn sẽ không còn lo lắng bệnh ung thư tuyến nước bọt có chữa được không. Để phát hiện kịp thời những dấu hiệu sớm của bệnh, mọi người nên thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ, xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học và lành mạnh.