Căn cứ vào mỗi giai đoạn của ung thư tuyến nước bọt, kích thước, vị trí khối u, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau. Vậy biểu hiện ung thư tuyến nước bọt giai đoạn 3 là gì? Cùng tham khảo nội dung bài viết dưới đây nhé!
Những biểu hiện ung thư tuyến nước bọt giai đoạn 3
Ở giai đoạn 3, các tế bào ung thư tuyến nước bọt bắt đầu phát triển ra bên ngoài tuyến nước bọt, lan sang các hạch bạch huyết và các mô lân cận. Bệnh nhân ung thư tuyến nước bọt giai đoạn 3 sẽ gặp phải những triệu chứng tương tự giai đoạn 2 nhưng với mức độ nghiêm trọng hơn. Các biểu hiện ung thư tuyến nước bọt giai đoạn 3 bao gồm:
– Xuất hiện các hạch vùng dưới hàm, ở cổ
– Sưng vùng trên hàm hoặc gần hàm, sưng cổ hoặc miệng.
– Cơ một bên khuôn mặt yếu hơn
– Cảm thấy tê một phần khuôn mặt
– Đau dai dẳng khu vực của tuyến nước bọt.
– Cảm giác khó nuốt, nuốt đau, khó mở rộng miệng.
– U vùng tuyến mang tai ngày càng to, có thể gây biến dạng mặt
– Các u này sẽ dính chặt với mô xung quanh.
Bên cạnh những biểu hiện trên, bệnh nhân sẽ gặp phải những triệu chứng khác do tác dụng phụ của các phương pháp điều trị như rụng tóc, khô da, mệt mỏi, chán ăn, sút cân, các vấn đề về tiêu hóa,…
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến nước bọt giai đoạn 3
– Đối với ung thư tuyến nước bọt giai đoạn 3, phương pháp phẫu thuật không mang lại hiệu quả cao bởi lúc này các tế bào ung thư đã phát triển ra bên ngoài tuyến nước bọt. Một số trường hợp, căn cứ vào tình trạng sức khỏe bệnh nhân, mức độ tiếp nhận với phương pháp điều trị mà bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật mở rộng loại bỏ tuyến nước bọt có chứa khối u, các mô lân cận và tất cả các hạch bạch huyết ở cổ nếu có thể. Tuy nhiên, việc phẫu thuật cắt bỏ ung thư có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về giọng nói, khả năng nhai và thở của bệnh nhân.
– Phương pháp xạ trị sử dụng các tia năng lượng cao như tia X để tiêu diệt tế bào ung thư. Người bệnh có thể được xạ trị trước phẫu thuật để thu nhỏ các tế bào ung thư, hoặc sử dụng sau phẫu thuật nhằm giảm nguy cơ ung thư tái phát. Trong trường hợp khối u tuyến nước bọt không thể loại bỏ bằng phẫu thuật thì bệnh nhân cũng có thể được chỉ định điều trị bằng xạ trị. Đó là những trường hợp như: vị trí khối u gây khó khăn khi phẫu thuật, ung thư giai đoạn muộn hoặc cơ thể bệnh nhân không để thực hiện gây mê trong thời gian dài.
– Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc gây độc tế bào để phá vỡ AND và tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị không phải là phương pháp điều trị ung thư tuyến nước bọt phổ biến mà chỉ áp dụng trong một số trường hợp như: tế bào ung thư xâm lấn ra các bộ phận xung quanh, khối u đã di căn ra hoặc khi ung thư tái phát sau phẫu thuật và xạ trị.
Bệnh nhân ung thư tuyến nước bọt giai đoạn 3 sống được bao lâu
Ung thư tuyến nước bọt giai đoạn 3 nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì tỉ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân đạt 65%. Và không có một con số chính xác về thời gian sống của bệnh nhân bởi nó phụ thuộc vào biểu hiện ung thư tuyến nước bọt giai đoạn 3, thực trạng sức khỏe của họ cũng như hiệu quả của các phương pháp điều trị.
Tuy nhiên, so với giai đoạn 1 và 2 thì tiên lượng sống của bệnh nhân không cao. Do đó, ngay khi có những biểu hiện bất thường của tuyến nước bọt, bạn cần tới gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán bệnh kịp thời.