Ung thư gan là căn bệnh mà khối u ác tính được hình thành từ các tế bào gan phân chia vô tổ chức. Tại Việt Nam, ung thư gan đứng thứ ba trong số các loại ung thư phổ biến nhất. Dưới đây là thông tin về các phương pháp chữa ung thư gan.
Bệnh ung thư gan là gì?
Ung thư gan (hay còn gọi là ung thư biểu mô tế bào gan) là một loại ung thư phát sinh từ gan. Ung thư gan còn có các tên gọi khác là ung thư gan nguyên phát hoặc hepatoma. Ung thư gan chủ yếu xuất hiện ở những người trong độ tuổi từ 50 – 60 với tỷ lệ mắc ở bam giới cao gấp 7 đến 8 lần so với phụ nữ.
Các phương pháp chữa ung thư gan
Phác đồ điều trị cho bệnh nhân ung thư gan cần phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Đối với các trường hợp có khối u nhỏ và chức năng gan còn tốt, phương pháp điều trị chủ yếu vẫn là phẫu thuật cắt bỏ khối u. Đối với các bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn thì phương pháp chữa ung thư gan chủ yếu là giảm nhẹ các triệu chứng và kéo dài thời gian sống. Dưới đây là các phương pháp điều trị cụ thể:
Phẫu thuật: Là phương pháp được áp dụng cho các trường hợp bị ung thư gan nguyên phát, chỉ có một phần gan bị tế bào ung thư xâm lấn và phần còn lại vẫn đảm bảo chức năng tốt. Gan là bộ phận có khả năng tự bù trừ và hồi phục rất tốt, ngay cả khi phẫu thuật cắt bỏ 3/4 gan thì chỉ sau một vài tuần, phần gan còn lại sẽ bắt đầu phát triển và có thể trở về kích thước như bình thường. Một số bệnh nhân khi khối u còn nhỏ có thể được tư vấn phẫu thuật ghép gan.
Phương pháp tiêu diệt tại chỗ: Chủ yếu áp dụng cho các trường hợp khối u có đường kính dưới 5 cm, bằng cách tiêm cồn tuyệt đối và axit acetic qua da vào khối u. Theo đó, cồn và axit sẽ giúp phá hủy các tế bào ung thư. Kỹ thuật này thường được tiến hành bằng việc sử dụng siêu âm dẫn đường cho kim đi trực tiếp vào khối u. Trong trường hợp khối u tái phát, có thể tiếp tục điều trị nhiều lần bằng phương pháp này.
Tiêu diệt tế bào ung thư bằng tia la-ze hoặc đốt nhiệt sóng cao tần: Là biện pháp sử dụng tia la-ze hoặc máy sinh dòng điện để phá hủy các tế bào ung thư. Bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ, một chiếc kim được cắm qua da để vào trung tâm khối u, ánh sáng tia la-ze hoặc sóng cao tần được truyền qua kim vào khối u, giúp làm nóng tế bào ung thư và tiêu diệt chúng.
Hóa trị: Với phương pháp hóa trị, người bệnh sẽ được sử dụng một số loại thuốc chống ung thư để diệt khối u. Hóa trị được áp dụng cho các trường hợp không còn khả năng phẫu thuật. Thuốc chống ung thư thường được tiêm vào tĩnh mạch hoặc bơm trực tiếp vào động mạch gan nuôi khối u. Số lần hóa sẽ phụ thuộc vào loại ung thư gan và mức độ đáp ứng với điều trị của người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này có thể để lại một số tác dụng phụ không mong muốn như là làm giảm sức đề kháng với nhiễm khuẩn, người bệnh có cảm giác mệt mỏi, đau miệng, rụng tóc…
Xạ trị: Xạ trị là phương pháp chữa ung thư gan là sử dụng các loại tia năng lượng cao để phá hủy các tế bào ung thư. Xạ trị chủ yếu dành cho những loại ung thư gan có kích thước nhỏ và trong các trường hợp điều trị ung thư gan sau phẫu thuật. Quá trình xạ trị được tiến hành bằng cách chiếu chùm tia năng lượng tại một điểm chính xác ở khối u, giúp tiêu diệt tế bào ác tính trực tiếp. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây nên một số tác dụng phụ như gây mệt mỏi, buồn nôn, nôn.
Trên đây là các phương pháp chữa ung thư gan đang được áp dụng phổ biến hiện nay. Với các phương pháp này, bệnh nhân có thể được điều trị khỏi hoàn toàn, hoặc có thể kéo dài thêm thời gian sống nếu khối u đã phát triển tới giai đoạn muộn. Nhìn chung, ung thư gan là căn bệnh có tiên lượng xấu, thời gian sống trung bình kể từ khi phát hiện chỉ khoảng 6 tháng. Vì vậy, cách tốt nhất là chúng ta nên phòng ngừa ung thư gan bằng việc khám sức khỏe, tầm soát ung thư định kỳ hàng năm và duy trì lối sống lành mạnh.