Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Tuy nhiên, một hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư vú di căn đã vừa được thắp lên với loại thuốc có tên Ribociclib. Khi dùng kết hợp với liệu pháp hormone, loại thuốc này giúp bệnh nhân ung thư vú di căn có thể sống thêm hai năm.

Thuốc Ribociclib có thể giúp bệnh nhân ung thư vú di căn sống thêm 2 năm
Tại cuộc họp thường niên Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ mới đây, tiến sĩ Sara Hurvitz thuộc Đại học California công bố kết quả thử nghiệm thuốc Ribociclib trong điều trị ung thư vú cho bệnh nhân giai đoạn di căn.
Thử nghiệm đã được tiến hành với 672 phụ nữ ở thời kỳ tiền mãn kinh, dưới 59 tuổi, bị ung thư vú di căn:
Nhóm 1: bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp hormone tiêu chuẩn.
Nhóm 2: bệnh nhân được điều trị bằng thuốc Ribociclib kết hợp với hormone.
Kết quả cho thấy:
- 46% bệnh nhân sống khi điều trị bằng liệu pháp hormone.
- 70% bệnh nhân sống khi điều trị kết hợp giữa hormone và Ribociclib. Bệnh nhân ung thư vú di căn có thể duy trì sự sống trong vòng hai năm khi dùng thuốc.
“Hiệu quả làm chậm sự phát triển tế bào ung thư của loại thuốc này là một trong những tiến bộ lớn nhất trong nghiên cứu ung thư vú ở những thập kỷ gần đây”, tiến sĩ Sara Hurvitz khẳng định.
Thuốc Ribociclib có dạng viên dùng để điều trị ung thư vú dương tính với thụ thể hormone. Đây là một trong những loại ung thư vú phổ biến, thường gặp ở phụ nữ sau khi mãn kinh.
Tuy thuốc Ribociclib có tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón và suy giảm tế bào bạch cầu, nhưng theo nhóm nghiên cứu, các tác dụng phụ này ít gây hại cho cơ thể hơn hóa trị.
Hiện nay, với sự xuất hiện của nhiều phương pháp như xạ trị, hóa trị và kết hợp nhiều phương pháp, liệu pháp khác, điều trị ung thư vú đã có bước tiến lớn, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống người bệnh.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và bác sĩ cho biết, yếu tố then chốt vẫn là phát hiện điều trị khi ung thư ở giai đoạn sớm.
Tầm soát ung thư vú – cách hiệu quả giúp phát hiện bệnh sớm
Do không biểu hiện ra ngoài bằng nhiều triệu chứng lâm sàng rõ rang nên ung thư vú thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi cơ hội chữa khỏi chỉ còn rất ít. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay ở phụ nữ.
Tầm soát ung thư vú là cách tốt nhất để phát hiện khối u ở giai đoạn khu trú, giúp các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, qua đó làm giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh.

Thực tế cho thấy, nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu, tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú hơn 80%. Ở giai đoạn hai, tỷ lệ này giảm còn 60%. Giai đoạn ba, khả năng khỏi hẳn thấp và đến giai đoạn bốn thì việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn.
Khi nào nên tầm soát ung thư vú?
- Ung thư vú đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa vì vậy từ 25 tuổi trở lên nên đi tầm soát ung thư vú hàng năm.
- Phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú rất cao vì vậy nên tầm soát sớm.
- Có tiền sử bị ung thư vú: Nếu đã bị ung thư một bên vú sẽ tăng nguy cơ phát triển ung thư vú ở bên còn lại.
- Nếu trong gia đình có người thân như mẹ, em gái hay con gái bị ung thư vú thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
- Thừa hưởng gen làm tăng nguy cơ ung thư từ phía cha mẹ: Một số đột biến gen làm tăng nguy cơ ung thư vú ở nữ giới có thể được truyền từ cha mẹ, các đột biến gen phổ biến nhất là BRCA1 và BRCA2.
- Tiền sử tia xạ vùng ngực với liều cao.
- Những người mắc bệnh thừa cân, béo phì.
- Phụ nữ có kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 50 tuổi).
- Không có con hoặc sinh con đầu lòng muộn (sau 35 tuổi).
- Phụ nữ uống thuốc điều trị hormone kết hợp estrogen và progesterone để chữa trị các dấu hiệu và triệu chứng của mãn kinh tăng nguy cơ ung thư vú.
- Xuất hiện một số triệu chứng: Sờ thấy khối vùng vú hay nách; lúc còn nhỏ thường không đau; tiết dịch núm vú; tổn thương đổi màu núm vú, loét, đóng vảy núm vú; núm vú bị tụt vào trong; tổn thương đổi màu da, sưng, dày, ngứa, xuất hiện vết lõm bề mặt vú.