Tỷ lệ tử vong và mắc mới của ung thư gan luôn đứng đầu danh sách các bệnh ung thư, nguyên nhân một phần bắt nguồn từ một hạt lạc mốc nhỏ bé, tưởng chừng như vô hại.
Tại sao một hạt lạc mốc lại có thể gây ung thư gan?
Bia lạc được coi là đồ nhậu ưa thích của cánh đàn ông vào những ngày hè nóng nực. Nhưng chỉ cần ăn một hạt lạc mốc trong đĩa thì nguy cơ ung thư gan đã tăng hàng trăm lần. Nguyên nhân do khi mốc phát triển trên hạt lạc sẽ sản sinh ra một loại độc tố nguy hiểm là Aflatoxin.
Bia với lạc là món nhậu khoái khẩu của nhiều người.
Chất này đã được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào nhóm các chất gây ung thư năm 2015 và các nghiên cứu trên các khu vực có tỉ lệ ung thư cao. Khi aflatoxin vào cơ thể, chúng sẽ gắn vào các chuỗi gen di truyền của tế bào gan và gây đột biến các tế bào gan dẫn tới ung thư gan.
Ngoài ra, Aflatoxin còn được tích luỹ trong thịt của các loài động vật như ăn phải nấm mốc từ lạc, đậu tương, ngô, ngũ cốc… và không bị phá huỷ bởi nhiệt trong quá trình đun nấu. Từ nhiều nguồn, chất độc aflatoxin tích tụ trong gan của chúng ta cùng với hiện trạng sử dụng rượu, bia ngày càng tăng thì tỷ lệ mắc ung thư gan ngày càng gia tăng.
Theo thống kê vừa được công bố tháng 5 năm 2019 của Tổ chức ung thư thế giới, tại Việt Nam năm 2018, ung thư gan đứng đầu với 25 335 ca trên 164 671(tỉ lệ 15,4 %) ca mắc ung thư mới. Hơn thế nữa, tỉ lệ tử vong do ung thư gan cũng chiếm luôn ngôi đầu khi 5 người tử vong do ung thư thì có một người ung thư gan.
Tỷ lệ mắc mới ung thư gan đứng đầu trong các bệnh ung thư năm 2018. (Nguồn: Globocan 2018).
Các nguyên nhân khác gây ung thư gan
Phần lớn ung thư gan xuất hiện trên nền một người bệnh đã bị tổn thương gan trước đó do các nguyên nhân về các chất độc hại, viêm gan B và C, xơ gan, tình trạng gan nhiễm mỡ, tiểu đường… sau đây là các nguyên nhân phổ biến gây bệnh cùng với aflatoxin:
- Nghiện rượu: Sử dụng rượu trong thời gian dài làm cho gan quá tải, hình thành các khối xơ gan, giảm chức năng gan dẫn đến tích tụ các chất độc hại gây biến đổi tế bào gan dẫn tới ung thư.
- Virus viêm gan B: Đây là tác nhân phổ biến nhất gây ung thư biểu mô tế bào gan trên toàn thế giới, và chịu trách nhiệm chính cho sự phần lớn ung thư gan ở các khu vực phổ biến ung thư như châu Á và châu Phi. Ở Việt Nam, có khoảng 15triệu người nhiễm viêm gan B. Phần lớn người bệnh bị lây nhiễm khi còn trẻ và 15% không thể loại bỏ hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể. Lúc này, người bệnh trở thành vật chủ mãn tính, làm tăng nguy cơ ung thư gan lên 200 lần. Với sự phá hủy đều đặn và liên tục tái diễn của các tế bào gan, virus truyền các dữ liệu di truyền tới các tế bào gan cơ thể người, và điều này bắt đầu cho quá trình biến đổi thành tế bào ung thư gan.
- Virus viêm gan C: Hàng triệu ca nhiễm virus viêm gan C trong vài thập kỷ trước bằng cách sử dụng chung bơm kim tiêm và các sản phẩm từ máu trước khi các xét nghiệm được phát triển. Viêm gan C chịu trách nhiệm cho ba phần tư số ca ung thư gan ở Nhật Bản và châu Âu. Sau khi nhiễm bệnh, 5% số bệnh nhân sẽ phát triển thành ung thư gan sau thời gian trung bình là 28 năm.
- Viêm gan không do rượu: Tiểu đường và béo phì dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ, sự tích tụ mỡ trong các tế bào gan và gây thương tổn gan. Tình trạng này diễn ra trong một thập kỷ sẽ làm tăng gấp 3 nguy cơ ung thư gan.
Phòng tránh ung thư gan như thế nào?
Về lý thuyết, ung thư gan gần như có thể hoàn toàn phòng ngừa được. Phòng tránh virus bằng cách tiêm vắc xin, loại bỏ các hạt lạc mốc khỏi bữa ăn, chỉ uống rượu bia ở mức theo khuyến cáo. Ví dụ, trẻ em ở Đài Loan được tiêm chủng chống lại viêm gan B từ năm 1984, điều này dẫn đến hiệu quả bất ngờ, 70% tỉ lệ ung thư gan ở thanh thiếu niên được giảm xuống. Ở Mỹ, nơi mà tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn nhiều so với châu Á, ung thư gan do viêm gan B cũng giảm hơn một nửa nhờ tiêm chủng.
Tiểu đường và béo phì có thể được điều chỉnh bằng chế độ ăn và lối sống.
Chất aflatoxin có thể xuất hiện trong thức ăn bị mốc vì thế mọi người cần bảo quản thức ăn cẩn thận, và vứt bỏ ngay thức ăn bị mốc đặc biệt là lạc, đậu nành, khoai lang, mía, dầu đậu phộng.
Với tỷ lệ cao mắc ung thư gan hiện nay, mỗi người nên đi khám sức khoẻ và tầm soát ung thư định kỳ hàng năm để bảo vệ lá gan và sức khoẻ của mình một cách tốt nhất.