Ung thư đang ngày càng trở thành nỗi bức bối của cả thế giới. Ngoài biện pháp phòng ngừa như tầm soát thường xuyên, duy trì lối sống điều độ, tập luyện đều đặn, thì việc chú ý duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày lành mạnh cũng chính là một biện pháp phòng ngừa ung thư. Đặc biệt, cần nhận diện rõ những loại thực phẩm tăng nguy cơ ung thư để tránh hoặc có cách sử dụng hợp lý là một điều vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số những thực phẩm cơ bản dễ tăng nguy cơ ung thư cần lưu ý:
Rượu
Là nguyên nhân gây ung thư khoang miệng, thực quản, gan, đại tràng, vú. Nguyên nhân do khi chuyển hóa cồn, cơ thể sản xuất ra phụ phẩm có tên acetaldehyde kích hoạt đột biến ADN, tạo điều kiện cho ung thư phát triển. Bên cạnh đó, cồn có thể kéo đến tình trạng viêm toàn cơ thể, từ đó tăng nguy cơ ung thư.

Ăn mặn
Thói quen ăn mặn của nhiều người khiến họ có nguy cơ đối mặt với các bệnh ung thư dạ dày, mũi họng. Muối mặn có thể làm tan các chất nhầy bao phủ ở trên niêm mạc của dạ dày, làm cho các chất độc và các tác nhân có khả năng gây ra ung thư tiếp xúc với niêm mạc dạ dày.
Thịt đỏ và thịt chế biến
Thịt đỏ giàu chất sắt, rất cần thiết cho trẻ nhỏ và phụ nữ có thai, tuy nhiên cần vừa đủ, hợp lý, nếu ăn quá nhiều dễ gây ung thư đại trực tràng; Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc tổ chức WHO đưa ra kết luận thịt chế biến là nguyên nhân gây ung thư ruột già. Các chuyên gia đưa ra lời khuyên người dân cần tăng cường các thực phẩm tươi, tự nhiên, bổ sung chất xơ, các loại thịt từ gia cầm, thủy sản. Đặc biệt cần đa dạng nguồn thực phẩm hàng ngày.

Thức ăn nấm mốc (aflatoxin)
Loại mốc tự nhiên sinh ra từ các loại ngũ cốc sản sinh ra các độc tố trong đó có aflatoxin B1 là một độc chất ung thư gan. Aflatoxin B1 rất dễ có trong sản phẩm tương làm thủ công, để lên men tự nhiên và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các thực phẩm như tôm cá khô, mực khô, trái cây khô… nếu chế biến, bảo quản không đúng cách cũng dễ phát sinh nấm mốc. Thậm chí, ngay cả thức ăn đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn được đóng gói, để trong tủ lạnh thì vi khuẩn vẫn có thể phát triển nếu để quá hạn sử dụng, có dấu hiệu ôi thiu.
Không chỉ nhiễm độc trực tiếp, nếu ăn phải thịt động vật được nuôi bằng ngũ cốc ô nhiễm aflatoxin, người vẫn có nguy cơ bị nhiễm độc.

Các loại thức ăn, thức uống quá nóng
Những loại đồ ăn thức uống quá nóng như canh mới sôi, chè pha bằng nước vừa sôi sẽ dễ gây bỏng, lở loét khoang miệng, thực quản, nếu thường xuyên ăn uống đồ quá nóng, thực quản bị bỏng, lớp niêm mạc bị tổn thương, nếu gặp phải yếu tố bất lợi như thức ăn bị nhiễm khuẩn, rượu, thuốc lá… sẽ tạo điều kiện cho các tế bào ung thư có cơ hội tấn công.

Thịt lợn, gà tăng trọng
Hiện nay, các loại vật nuôi như lợn, gà thường sử dụng tăng trọng và rất khó để phân biệt. Nếu sử dụng những loại thịt nuôi tăng trọng lâu dài, theo thời gian, chúng tích tụ lại bên trong cơ thể và tạo nên các mầm mống gây ung thư. Cách tốt nhất để đảm bảo an toàn khi mua thịt là mua các sản phẩm đã qua kiểm định hoặc mua của những siêu thị, cửa hàng có uy tín.
Lưu ý những loại thực phẩm có nguy cơ gây ung thư, và cách sử dụng thực phẩm sai lầm dễ dẫn đến nguy cơ bị ung thư là một trong những cách phòng ngừa ung thư hiệu quả. Ngoài ra, các chuyên gia cũng thường khuyên nên ăn nhiều rau củ quả để ngừa ung thư khoang miệng, thực quản, đại trực tràng; ăn nhiều cá, tỏi, thực phẩm chứa nhiều canxi để ngừa ung thư trực tràng; ăn các loại thực phẩm chứa nhiều selen như lúa mỳ, ngô, bắp cải, đậu hà lan, cà rốt, thuỷ hải sản để ngừa ung thư phổi, đại trực tràng, tiền liệt tuyến. Thực phẩm chứa nhiều folate trong đậu, ngũ cốc chưa xay xát kỹ giúp ngừa ung thư tuỵ, thực quản, đại trực tràng.