Ung thư hạ họng là bệnh lý nguy hiểm có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao trong các loại ung thư đầu cổ. Vậy làm thế nào để có thể nhận biết sớm bệnh ung thư nguy hiểm này?
Ung thư hạ họng là bệnh gì?
Hạ họng là phần dưới của máng đường thở và tiêu hóa. Bộ phận này được chia làm 3 khu vực chính gồm: xoang lê, vùng sau nhẫn phễu và thành sau hạ họng.
Các tế bào ung thư có thể phát triển ở một trong những vị trí trên và lan tràn nhanh, rộng, khiến lớp niêm mạc che phủ vùng hạ họng và thanh quản bị tổn thương.
Trong đó, ung thư xoang lê là loại ung thư hạ họng hay gặp nhất ở Việt Nam (chiếm trên 80% số ca bệnh).
Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới, với độ tuổi phổ biến từ 50-65.
Nguyên nhân gây bệnh
Cho tới thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác của căn bệnh này. Tuy nhiên, họ phát hiện các yếu tố sau đây góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
– Hút thuốc lá và nghiện rượu: Đây chính là yếu tố có nguy cơ cao, bởi thuốc lá và rượu, bia kích thích niêm mạc họng và thanh quản.
– Bệnh nhân viêm mũi họng mãn tính, thường xuyên tiết dịch ra rất nhiều khiến niêm mạc họng thường xuyên bị viêm.
– Vệ sinh răng miệng kém: Vệ sinh răng miệng kém làm các vi khuẩn hội sinh phát triển mạnh gây nên các viêm nhiễm mãn tính vùng họng, kích thích viêm kéo dài là yếu tố thuận lợi của ung thư hạ họng.
– Môi trường làm việc có nhiều chất độc hại: phòng hóa học, vùng mỏ than, sản xuất và chế biến gỗ. Các hóa chất, bụi công nghiệp độc hại là các yếu tố kích thích niêm mạc.
– Virus HPV: nhiễm virus HPV là yếu tố nguy cơ của ung thư vòm mũi họng trong đó có ung thư hạ họng.
– Kích thích mạn tính vùng họng do trào ngược dạ dày thực quản cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh.
Dấu hiệu nhận biết ung thư hạ họng
Ung thư hạ họng ở Việt Nam hay gặp hơn ung thư thanh quản nhưng kết quả điều trị lại kém hơn do các triệu chứng lâm sàng ban đầu tương đối kín đáo, phần lớn người bệnh đến khám đều ở giai đoạn muộn. Do đó, việc sớm nhận ra các dấu hiệu của bệnh có ý nghĩa rất lớn trong việc điều trị bệnh.
Dưới đây là một số dấu hiệu giúp nhận biết bệnh:
Cảm thấy vướng ở họng
Cảm thấy vướng ở họng là một trong những dấu hiệu phổ biến của bệnh, do khối u phát triển làm tắc nghẽn một phần họng. Ngoài ra, khó nuốt cũng có thể là một dấu hiệu đi kèm.
Ho ra máu
Nhiều bệnh lí khác thường gặp hơn có thể gây ho hoặc khạc ra máu như viêm phổi hoặc viêm phế quản, tuy nhiên ung thư hạ họng cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng này. Bệnh nhân có thể bị ho ra máu đỏ tươi hoặc có lẫn đờm.
Đau họng dai dẳng
Nếu bạn không bị ốm, nhưng lúc nào cũng cảm thấy ngứa, đau họng thì cần sớm đến bệnh viện kiểm tra, bởi đây cũng là 1 trong những dấu hiệu của ung thư hạ họng.
Cảm giác hóc xương
Giai đoạn đầu của ung thư hạ họng đôi khi sẽ khiến người bệnh cảm giác như bị hóc xương cá. Ngoài ra, bạn còn cảm thấy đau lan lên tai mỗi khi nuốt. Cảm giác như vậy mà kéo dài trên 2 tuần thì bạn nên tìm đến bác sỹ chuyên khoa để thăm khám.
Khối sưng vùng cổ
Nếu sờ thấy một khối sưng ở vùng cổ mà trước đó không cảm nhận được thì đó có thể là một dấu hiệu của căn bệnh ung thư hạ họng.
Những khối này thường xuất hiện ở dưới cằm, góc hàm, nhưng cũng có thể ở các vị trí khác trên cổ.
Thay đổi giọng nói
Những loại ung thư ở dây thanh âm có thể gây ra khàn tiếng hoặc sự thay đổi về độ cao hoặc cường độ của giọng nói.
Vì vậy, nếu bị khàn tiếng kéo dài hơn 2 tuần, bạn nên đến gặp bác sĩ. Đặc biệt nếu điều trị nội khoa không hết bằng thuốc thì nên tìm đến khám bác sỹ chuyên khoa ung bướu hoặc tai mũi họng.
Nhiễm HPV
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, khoảng 70% các trường hợp ung thư hạ họng gây ra bởi HPV.
Ngày càng có nhiều nam giới bị nhiễm HPV ở miệng – họng, chủ yếu thông qua quan hệ tình dục bằng đường miệng.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh
Các bác sĩ có thể phát hiện bệnh dựa vào những biện pháp sau:
- Soi thanh quản-hạ họng: nội soi thanh quản hạ họng bằng ống cứng hoặc ống mềm giúp đánh giá trực tiếp tổn thương: vị trí, số lượng, tính chất khối u và giúp sinh thiết chẩn đoán.
- Giải phẫu bệnh: bấm sinh thiết tổn thương cho kết quả chắc chắn nhất. Có thể kết hợp với chọc tế bào hạch để xác định xâm lấn hạch của khối u.
- Chụp cắt lớp vi tính vùng cổ: đánh giá sự lan rộng của khối u tới hạch cổ hoặc tổ chức xung quanh.
Điều trị bệnh ung thư hạ họng như thế nào?
Tùy thuộc vào diễn tiến của bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với mỗi bệnh nhân.
Hiện tại, các phương pháp điều trị phổ biến được áp dụng, bao gồm:
- Phẫu thuật: Tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh mà chỉ định phẫu thuật phù hợp (phẫu thuật cắt họng-thanh quản bán phần, toàn phần có hay không kèm nạo vét hạch cổ).
- Xạ trị: Có thể áp dụng đơn lẻ phương pháp này, hoặc xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật.
- Hóa trị và điều trị miễn dịch: điều trị toàn thân trong ung thư hạ họng giai đoạn cuối.