Ung thư lưỡi có thể điều trị được nếu phát hiện bệnh sớm. Các phương pháp điều trị ung thư lưỡi cũng giống như các bệnh ung thư khác, gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Tùy theo mỗi giai đoạn, mức độ bệnh mà áp dụng một lộ trình, phương pháp điều trị phù hợp.
Phương pháp phẫu thuật
Là phương pháp điều trị ung thư lưỡi cơ bản nhất, thường được áp dụng trong những giai đoạn đầu. Thường là cắt bỏ một phần lưỡi, và nạo vét hạch cổ. Phẫu thuật có tác dụng là loại bỏ vùng lưỡi bị tổn thương và các hạch cổ. Tuy nhiên, có nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh: ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chức năng nhai, nuốt, nói… của người bệnh tạm thời hoặc cũng có thể là vĩnh viễn.
Hiện nay, với kỹ thuật tinh tế của y học hiện đại, khả năng nói và nuốt của bệnh nhân đã có thể nhanh chóng lấy lại được và quan trọng hơn là lấy lại cảm giác ở phần lưỡi tái tạo.
Với phần lưỡi bị cắt bỏ, sẽ được tái tạo lại bằng những kỹ thuật vi phẫu mạch máu và thần kinh bằng vạt cơ của vùng mặt trước cẳng tay. Cuống mạch nuôi phần lưỡi tái tạo sẽ được nối với động mạch, tĩnh mạch mặt ở vùng cổ. Dây thần kinh cảm giác của vạt da sẽ nối với thần kinh lưỡi được bảo tồn sau khi cắt bỏ khối u, hồi phục được các chức năng của lưỡi, và đảm bảo tính thẩm mỹ cho người bệnh.
Phương pháp xạ trị
Xạ trị có thể áp dụng trong các trường hợp ung thư lưỡi giai đoạn muộn, không còn chỉ định phẫu thuật; hoặc xạ trị triệt căn trong trường hợp giai đoạn sớm. Hoặc có thể áp dụng sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt nốt những tế bào ung thư còn sót lại. Phương pháp này cũng gây ra nhiều tác dụng phụ như viêm miệng, cháy da, loét da, khô miệng…
Phương pháp xạ trị gồm 2 cách:
Xạ trị ngoài: Tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định chiếu xạ bằng máy gia tốc tuyến tính hoặc máy Cobalt 60, hoặc có thể kết hợp với các phương pháp khác, hay xạ trị đơn thuần.
Xạ trị áp sát: Nguồn phóng xạ được đặt trực tiếp vào khối u.
Phương pháp hóa trị
Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư lưỡi bằng cách sử dụng hóa chất (dưới dạng đơn hoặc đa chất) truyền qua động mạch lưỡi hoặc theo đường toàn thân. Phương pháp này có tác dụng làm giảm thể tích khối u, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.
Tuy nhiên hóa trị cũng có các tác dụng phụ như ảnh hưởng tới các tế bào bình thường trong cơ thể, đặc biệt là những tế bào có tốc độ phân chia nhanh như tế bào niêm mạc đường tiêu hóa, tóc, hồng cầu, bạch cầu gây ra các triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy…
Ở giai đoạn đầu của ung thư lưỡi, có ba thể thương tổn có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật hoặc xạ trị:
Thể nhú sùi: Thương tổn hình đồng xu nhỏ, màu ghi hồng, sờ vào thấy mềm và không thâm nhiễm.
Thể nhân: Nhân nhỏ cứng, nằm dính dưới niêm mạc lưỡi khiến cho niêm mạc hơi bị đội lên.
Thể loét: Là một đám loét rất nông khó nhận thấy, giới hạn không rõ, được bao bọc bởi một vùng đỏ sung huyết. Thương tổn này thường đau và không thâm nhiễm.
Phương pháp điều trị ung thư lưỡi trong trường hợp khối u xâm lấn, di căn
Tổn thương tại lưỡi ở giai đoạn cuối sẽ bị loét lớn và chảy máu, cần nhét gạc vào vị trí chảy máu, có thể phẫu thuật thắt động mạch cảnh ngoài.
Trường hợp khối u xâm lấn, di căn tới xương: Dùng thuốc chống huỷ xương, kết hợp xạ trị vào vùng tổn thương di căn xương hoặc điều trị giảm đau bằng thuốc phóng xạ P32…
Trường hợp khối u di căn tới não: Dùng phương pháp phẫu thuật và có thể kết hợp với xạ trị gia tốc toàn.
Bài viết đã đưa ra các phương pháp điều trị ung thư lưỡi cơ bản nhất. Để điều trị bệnh có hiệu quả cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với việc tuyệt đối tuân thủ theo những chỉ dẫn của bác sỹ theo lộ trình điều trị. Để đảm bảo sức khỏe, cách tốt nhất là thăm khám ngay khi có bất kỳ biểu hiện bất thường ở lưỡi, kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư để luôn chủ động trong việc kiểm soát các bệnh lý tiềm ẩn.