Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Vì vậy việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có vai trò quan trọng trong việc chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân. Vậy tầm soát ung thư cổ tử cung như thế nào là đúng. Cùng tham khảo bài viết sau để có câu trả lời nhé!
Ung thư cổ tử cung thường không có biểu hiện ở giai đoạn sớm, khi triệu chứng xuất hiện cũng là lúc ung thư đã phát triển và bước vào giai đoạn khó điều trị. Giai đoạn muộn, người bệnh có thể bị chảy máu sau giao hợp, tiết dịch hôi, đau vùng chậu…Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do virus HPV – chiếm hơn 99% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Virus HPV rất dễ lây lan và chủ yếu lây qua đường tình dục, chỉ cần tiếp xúc ngoài ở bộ phận sinh dục đã có thể lây bệnh. Tất cả phụ nữ đang có sinh hoạt tình dục đều có nguy cơ mắc HPV. Nguy cơ này bắt đầu từ lần quan hệ đầu tiên và kéo dài suốt cuộc đời.
Để phát hiện sớm bệnh, giúp ngăn chặn bệnh suất và tử suất của bệnh, các chuyên gia ung bướu khuyến cáo bạn nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung. Hiện có các phương pháp sàng lọc ung thư là phết tế bào âm đạo – cổ tử cung (Pap’s smear), xét nghiệm HPV DNA. Nếu nghi ngờ bệnh qua các sàng lọc bệnh nhân sẽ được chẩn đoán qua soi cổ tử cung – sinh thiết.
Các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung
Pap smear – phết tế bào cổ tử cung
Đây là xét nghiệm nhanh, đơn giản, không đau nhằm tìm tế bào bất thường ở bề mặt cổ tử cung. Phương pháp Pap smear có thể giúp phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, Pap smear đơn thuần có tỷ lệ âm tính giả cao, nên có thể không phát hiện được tình trạng nhiễm HPV – nguy cơ cao gây ung thư. Ngoài ra, Pap smear khó tầm soát ung thư biểu mô tuyến và thực tế có đến 33% ung thư cổ tử cung xảy ra ở phụ nữ có kết quả xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung bình thường.
Xét nghiệm HPV
4 lợi ích khi thực hiện xét nghiệm HPV:
– Phát hiện các trường hợp mắc bệnh bị bỏ sót do xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung đơn độc không phát hiện ra. Theo thống kê, gần 14% phụ nữ có kết quả Pap smear bình thường bị bỏ sót HPV 16 dương tính, có bệnh lý trong biểu mô cổ tử cung ở mức độ cao.
– Phát hiện sớm những trường hợp phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung.
– Phụ nữ có kết quả âm tính với HPV nguy cơ cao có thể quay trở lại tầm soát thường quy (3-5 năm).
– Giảm thiểu sự can thiệp không cần thiết.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo nữ giới nên thực hiện bộ đôi xét nghiệm Pap smear và HPV test để việc tầm soát đạt kết quả cao nhất.
Khi nào bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung
– Phụ nữ nên bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung lúc 21 tuổi. Không tầm soát nếu dưới 21 tuổi, không tính tuổi bắt đầu quan hệ tình dục.
– Từ 21 – 29 tuổi thực hiện Pap smear 3 năm/lần. Không xét nghiệm HPV trong độ tuổi này vì tần suất nhiễm chủng HPV sinh ung ở tuổi này khoảng 20%, và hầu hết trường hợp HPV sẽ biến mất mà không cần can thiệp.
– Phụ nữ từ 30 – 64 tuổi nên thực hiện cả 2 xét nghiệm Pap smear và HPV 5 năm/lần, hoặc thực hiện Pap smear 3 năm/lần.
Khi nào ngưng tầm soát ung thư cổ tử cung
Ngưng tâm soát ung thư cổ tử cung khi bệnh nhân trên 65 tuổi với tầm soát âm tính đầy đủ trước đó và không có u biểu mô mức độ 2 cũng như các tổn thương mức độ cao hơn trong vòng 20 năm gần nhất. Tầm soát âm tính đầy đủ tức là có 3 lần xét nghiệm Pap smear liên tục âm tính hoặc bộ đôi xét nghiệm liên tục âm tính trong 10 năm với lần xét nghiệm cuối cùng cách 5 năm.
Lý do ngưng tầm soát sau 65 tuổi là do u biểu mô mức độ 2 hiếm gặp sau 65 tuổi và hầu hết các kết quả xét nghiệm tầm soát đều là dương tính giả, không phản ánh đúng tiền ung thư. Nguy cơ nhiễm HPV ở giai đoạn này chỉ còn 5-10%.
Phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Tiêm phòng ngừa HPV là một biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, giúp hệ miễn dịch cơ thể nhận diện và tiêu hủy virus HPV trước khi chúng xâm nhập vào cổ tử cung gây bệnh. Văcxin phòng ngừa HPV dành cho phụ nữ 9 – 26 tuổi.