Ung thư âm đạo là căn bệnh ung thư phụ khoa khá hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm tới tính mạng người phụ nữ. Bài viết dưới đây sẽ giúp chị em tìm hiểu bệnh ung thư âm đạo một cách đầy đủ nhất.
Tìm hiểu bệnh ung thư âm đạo là gì?
Ung thư âm đạo xuất hiện khi các tế bào ác tính hình thành và phát triển tại âm đạo. Bệnh chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số trường hợp mắc ung thư ở bộ phận sinh dục nữ. Căn bệnh này có tỷ lệ tử vong cao và hầu như không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu. Vì vậy, hầu hết các trường hợp ung thư âm đạo đều được phát hiện ở giai đoạn muộn, dẫn đến hiệu quả điều trị không cao.
Các giai đoạn của bệnh ung thư âm đạo
Muốn tìm hiểu bệnh ung thư âm đạo, chúng ta cần nắm rõ các giai đoạn phát triển của bệnh. Theo đó, ung thư âm đạo được chia thành 4 giai đoạn cụ thể sau:
Giai đoạn I: Khối u được tìm thấy chỉ khu trú tại thành âm đạo.
Giai đoạn II: Khối u đã xâm lấn các mô xung quanh âm đạo nhưng chưa xâm lấn thành chậu.
Giai đoạn III: Khối u đã xâm lấn thành chậu và di căn vào các hạch vùng chậu hoặc vùng bẹn.
Giai đoạn IVA: Khối u đã xâm lấn niêm mạc bàng quang hay trực tràng, đã lan hoặc chưa lan ra ngoài khung chậu.
Giai đoạn IVB: Khối u đã lan tới các cơ quan khác trong cơ thể.
Dấu hiệu nhận biết ung thư âm đạo
– Xuất huyết âm đạo: Thường xảy ra sau khi chị em có quan hệ tình dục hoặc ở những phụ nữ đã mãn kinh. Xuất huyết âm đạo là một trong những dấu hiệu phổ biến của bệnh ung thư âm đạo. Vì vậy, chị em không nên chủ quan khi gặp phải tình trạng này.
– Dịch âm đạo bất thường: Nếu dịch âm đạo xuất hiện dấu hiệu bất thường như có mùi khó chịu và lẫn máu,… thì có thể là dấu hiệu của ung thư âm đạo và một số bệnh lý phụ khoa khác. Nếu thấy triệu chứng này, bạn nên tìm gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
– Thay đổi thói quen đi tiểu: Nếu bạn đột ngột thay đổi thói quen tiểu tiện như đi tiểu nhiều hơn, đau khi tiểu, tiểu ra máu, tiểu gắt,… thì có thể bạn đã bị ung thư âm đạo. Hãy tìm gặp bác sĩ ngay khi bạn thấy có sự thay đổi bất thường này nhé.
– Đau vùng chậu: Khi khối u đã bắt đầu sang giai đoạn xâm lấn, người bệnh sẽ cảm thấy đau hoặc thấy áp lực ở vùng khung chậu và vùng bụng dưới rốn. Cơn đau có thể xuất hiện liên tục hoặc thi thoảng mới đau, có thể đau âm ỉ, cũng có lúc bị đau quặn lên.
– Rối loạn tiêu hóa: Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân ung thư âm đạo thường bị một số vấn đề về tiêu hóa như táo bón mãn tính, đại tiện phân đen, phân có mùi khó chịu…
Phương pháp điều trị ung thư âm đạo
Phẫu thuật: Là phương pháp điều trị ung thư âm đạo phổ biến nhất. Dựa trên tình trạng của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u toàn phần (bao gồm cắt bỏ tế bào ung thư và một số mô xung quanh khối u) hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u cùng các cơ quan lân cận vùng chậu (bao gồm cắt bỏ âm đạo, các cơ quan bị xâm lấn thuộc vùng chậu và các hạch bạch huyết).
Xạ trị: Phương pháp này sử dụng tia xạ năng lượng cao để điều trị ung thư âm đạo, nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc ngăn chặn sự phát triển của khối u, thường được áp dụng cho những bệnh nhân còn trẻ và chưa sinh đủ con, nhằm hạn chế việc phải cắt bỏ tử cung phần phụ.
Hóa trị: Hoá trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn sự phát triển của chúng. Phương pháp hóa trị được bác sĩ đưa ra dựa trên giai đoạn bệnh và thể trạng của bệnh nhân.
Liệu pháp miễn dịch: Là phương pháp điều trị phù hợp với mọi giai đoạn của ung thư âm đạo. Liệu pháp miễn dịch có tác dụng giảm tỷ lệ tái phát bệnh, tăng cường hệ miễn dịch tự thân trong cơ thể người bệnh, giúp nâng cao chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Ưu điểm của phương pháp này là ít tác dụng phụ nên được rất nhiều bệnh nhân tin tưởng lựa chọn.
Trên đây là những thông tin giúp bạn tìm hiểu bệnh ung thư âm đạo một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Căn bệnh này có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và khả năng làm mẹ của phụ nữ. Vì vậy, chị em cần có sự hiểu biết chính xác và đúng đắn về căn bệnh mặc dù hiếm gặp nhưng lại vô cùng nguy hiểm này.