Ung thư thực quản là bệnh ung thư mà khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô của thực quản. Đây là bệnh lý ác tính đứng thứ tư về mức độ phổ biến tại Việt Nam, chỉ sau các ung thư tiêu hóa gồm ung thư dạ dày, ung thư gan và ung thư đại trực tràng. Bài viết này sẽ giới thiệu tổng quát kiến thức về ung thư thực quản.
Ung thư thực quản là gì?
Thực quản là một phần của ống tiêu hóa, chiều dài khoảng 25 cm. Thức ăn được vận chuyển từ miệng qua thực quản đến dạ dày. Ung thư thực quản là ung thư xảy ra trong ống chạy từ cổ họng đến dạ dày, thường bắt đầu từ các tế bào biểu mô thực quản.
Tỷ lệ mắc ung thư thực quản thay đổi tuỳ theo khu vực địa lý trên thế giới. Vùng có tỷ lệ mắc cao là Miền bắc Trung quốc, các nước đông bắc biển Caspi, Thổ Nhĩ kỳ. Tại Mỹ, ung thư thực quản đứng thứ 15 trong toàn bộ các ung thư. Tại Việt Nam, ung thư thực quản tương đối hiếm gặp, thường được phát hiện muộn nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư thực quản
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư thực quản có liên quan tới tuổi tác và giới tính. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi và hiếm gặp hơn ở người dưới 40 tuổi. Nam giới cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới. Theo đó, các yếu tố nguy cơ cụ thể như sau:
– Nam giới trên 40 tuổi, uống rượu thường xuyên sẽ có nguy cơ cao bị mắc ung thư thực quản. Đặc biệt cao hơn ở những người có sử dụng cả rượu và thuốc lá.
– Người có thói quen ăn nóng, uống nóng hoặc ăn các loại thực phẩm có chứa nitrosamin như mắm, dưa muối. Đồng thời chế độ ăn ít trái cây và rau quả cũng làm tăng tỷ lệ ung thư thực quản.
– Người có các bệnh lý khác liên quan đến thực quản như: Viêm dạ dày – thực quản, trào ngược axit dạ dày kéo dài, loét hẹp đoạn dưới thực quản, nhiễm virut HP… cũng có nguy cơ cao mắc ung thư thực quản.
– Tiền sử gia đình có người thân bị ung thư thực quản hoặc người béo phì thì nguy cơ mắc ung thư thực quản tăng cao hơn những người khác.
– Những người đã từng mắc một số ung thư khác ở vùng đầu mặt cổ như khoang miệng, họng miệng và hạ họng – thanh quản sẽ có nguy cơ cao bị ung thư thực quản.
Các loại ung thư thực quản
Ung thư thực quản được phân loại dựa trên các tế bào có liên quan, bao gồm:
– Ung thư biểu mô tuyến: Bắt đầu từ tế bào của các tuyến tiết chất nhầy trong thực quản. Ung thư tế bào tuyến thường xuất hiện ở phần dưới của thực quản.
– Ung thư biểu mô vảy: Ung thư tế bào vảy thường xảy ra ở khu vực 1/3 trên và 1/3 giữa thực quản. Đây cũng là loại ung thư thực quản phổ biến nhất trên thế giới.
Triệu chứng ung thư thực quản
Bệnh nhân ung thư thực quản ở giai đoạn sớm có thể không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, khi bệnh đã phát triển, có thể xuất hiện những dấu hiệu sau:
– Ban đầu sẽ có cảm giác khó nuốt với thức ăn dạng đặc, về sau sẽ khó nuốt với thức ăn lỏng, cuối cùng thì uống nước cũng nghẹn.
– Người bệnh có thể bị nôn hoặc nôn ra máu, dịch nôn lạc vào đường thở gây nên hiện tượng viêm đường hô hấp kéo dài và trội lên từng đợt.
– Thường xuyên bị ợ nóng, đau họng, đau sau xương ức, đau lưng hoặc đau 2 xương bả vai.
– Khàn tiếng kéo dài, có thể không khỏi sau 2 tuần.
– Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Các giai đoạn của ung thư thực quản
Sau khi được chẩn đoán mắc ung thư thực quản, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn cụ thể của bệnh để lên phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Theo đó, bệnh ung thư thực quản được chia thành các giai đoạn sau:
– Giai đoạn I: Tế bào ung thư chỉ được tìm thấy ở niêm mạc hoặc dưới niêm mạc thực quản.
– Giai đoạn II: Ở giai đoạn này, khối u đã xâm lấn đến các lớp cơ thực quản, có thể xuất hiện tế bào ung thư ở một vài hạch bạch huyết lân cận.
– Giai đoạn III: Khối u đã lan rộng đến lớp áo cơ, lớp thanh mạc thực quản và các hạch bạch huyết.
– Giai đoạn IV: Ở giai đoạn này, khối u xâm lấn các tổ chức quanh thực quản, tế bào ung thư xuất hiện ở các hạch bạch huyết khu vực và khối u di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.
Phương pháp điều trị ung thư thực quản
– Phẫu thuật: là phương pháp chủ yếu trong điều trị ung thư thực quản. Phẫu thuật có thể được áp dụng riêng hoặc kết hợp cùng các phương pháp khác. Dựa trên sự phát triển và vị trí của khối u, bác sĩ sẽ đưa ra các lựa chọn phẫu thuật cắt bỏ một phần của thực quản có khối u, nối thông dạ dày bằng phương pháp mổ mở hoặc nội soi
– Hóa trị: Hóa trị là việc sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị thường được dùng sau khi phẫu thuật ở những người bị ung thư thực quản. Hóa trị cũng có thể được kết hợp cùng xạ trị. Phương pháp hóa trị nhằm tiêu diệt tế bào ung thư, đồng thời cũng làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng gây ra bởi khối u khi đã phát triển ở giai đoạn muộn.
– Xạ trị: Xạ trị là phương pháp sử dụng nguồn năng lượng bức xạ cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Việc xạ trị có thể được kết hợp cùng phương pháp hóa trị. Xạ trị được sử dụng để làm giảm các biến chứng của bệnh ung thư thực quản ở giai đoạn muộn.
Trên đây là thông tin tổng quát kiến thức về ung thư thực quản nhằm giúp chúng ta có thêm hiểu biết về căn bệnh một cách đầy đủ và chính xác nhất. Ung thư thực quản là căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Do vậy, cách tốt nhất để đẩy lùi căn bệnh là khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư hàng năm và duy trì một lối sống lành mạnh, khoa học.
—–
XEM THÊM:
05 điều cần biết về ung thư tá tràng
Ung thư dạ dày có thể chữa khỏi 100%
Ung thư trực tràng nguy hiểm như thế nào?
Tổng quát kiến thức về ung thư thực quản